Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ kỳ vọng đạt con số trên 12 tỷ USD trong năm 2020 (Ảnh: QH)

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, tháng 9 năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,15 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 9 tháng năm 2020 đạt 8,48 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng năm 2020, chiếm 77,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Như vậy, trong 9 tháng năm 2020, mặc dù trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam, ngành gỗ vẫn liên tiếp tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng. Đóng góp cho sự tăng trưởng xuất khẩu về kim ngạch chính của ngành gỗ và sản phẩm gỗ trong 8 tháng năm 2020 là từ các thị trường: Hoa Kỳ (tăng hơn 835 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019), Trung Quốc (tăng hơn 79 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019), Canada (tăng gần 12 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019),…

Đặc biệt, từ ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã công bố xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào EU. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang EU. Kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng này của Việt Nam sang EU bình quân mỗi năm đạt trên 500 triệu USD và tiếp tục tăng trong những năm qua. Ngành gỗ Việt Nam kỳ vọng thực thi EVFTA sẽ giúp mở rộng được thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ tại các nước trong khối EU.

Một điểm đáng chú ý, ngày 1/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam, trong đó Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đối với nhập khẩu, xuất khẩu; tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ; cấp giấy phép FLEGT. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/2020 (trừ cấp giấy phép FLEGT và phân loại doanh nghiệp sau khi Nghị định có hiệu lực 180 ngày). Đây là cơ sở để tăng việc đảm bảo tính pháp lý của gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, điều này sẽ khiến đồ gỗ của Việt Nam có thêm động lực để nâng cao tính cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính, yêu cầu nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông tin minh bạch và sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngoài ra, thực thi chính sách trên cũng giúp giảm nguy cơ về gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp.

Trên cơ sở nhận định tình hình, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản dự báo, các tháng cuối năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, dự kiến kim ngạch cả năm 2020 đạt trên 12 tỷ USD. Điều này do vào mùa Noel của các nước sẽ tăng mức chi tiêu, mua sắm; đồng thời tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất trong nước dần trở lại bình thường./.