Bất chấp khó khăn do COVID-19, xuất khẩu gỗ bứt phá ngoạn mục
11/12/2020Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam xoay quanh chủ đề trên.
Từ đầu năm đến nay, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành; trong đó ngành chế biến và xuất khẩu gỗ cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta đã ghi nhận sự bứt phá ấn tượng của ngành này. Xin ông chia sẻ rõ hơn về kết quả đạt được?
Năm ngoái, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ của chúng ta đã vượt mốc 10 tỷ USD. Ngành công nghiệp gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ cũng đã lần đầu tiên được xếp trong nhóm 6 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trên 10 tỷ USD mỗi năm.
Ba tháng đầu năm nay, chúng ta vẫn tiếp được đà tăng trưởng cũ nhưng mà sang đến quý II khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều quốc gia đối tác thì ngành công nghiệp gỗ cũng như các ngành khác gặp rất nhiều khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các nước đều trì hoãn nhận hàng theo hợp đồng.
Nhưng rất may do trong nước khống chế đại dịch tốt nên từ quý III năm nay, chúng ta đã phục hồi sản xuất, mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Tính đến cuối tháng 10/2020, chúng ta đã xuất khẩu gỗ và các lâm sản ngoài gỗ đạt giá trị trên 10,5 tỷ USD.
Tiếp đà tăng trưởng như vậy, theo ông đâu là cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới?
Ngành gỗ Việt Nam đang có cơ hội để có thể tăng trưởng tốt trong những năm tới, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 tổng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD.
Chúng ta vẫn còn có lợi thế về mặt nhân công, lao động cần cù, lương còn tương đối thấp, nguồn nguyên liệu rất dồi dào từ rừng trồng trong nước và một đội ngũ doanh nhân năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên làm giàu và góp phần cho đất nước phát triển.
Thêm vào đó, chúng ta đã trở thành thành viên của các hiệp định: CPTPP, EVFTA và nhiều hiệp định thương mại tự do với một số nước đối tác quan trọng. Do vậy, ngành gỗ có một thị trường khá rộng mở và không bị ràng buộc bởi những hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, bao giờ cơ hội cũng đi liền với những thách thức. Dù vậy, tôi tin rằng chúng ta vẫn còn rất nhiều cơ hội để có thể biến ngành công nghiệp gỗ thực sự thành "một con gà biết đẻ trứng vàng".
Vậy trước những cơ hội mà ông vừa mới chia sẻ thì ông có đánh giá ra sao về năng lực chế biến, sản xuất của doanh nghiệp gỗ Việt Nam hiện nay?
Khi nói đến năng lực, chúng ta cần phải đề cập đến 3 yếu tố: Về năng lực quản trị, chúng ta có một đội ngũ doanh nhân có khát vọng vươn lên làm giàu; về năng lực công nghệ và thiết bị, tuy hầu hết các doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực công nghệ và thiết bị có hạn nhưng nhìn chung đã có sự thích ứng và chủ động nhập thiết bị công nghệ mới, từ đó cho phép sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Ngoài ra, khi nói về năng lực cũng cần bàn đến đội ngũ công nhân lành nghề. Chúng ta sở hữu một đội ngũ công nhân khá đông đảo, lao động cần cù, nhưng chắc chắn sẽ cần phải đào tạo để nâng cao tay nghề, từ đó tăng năng suất và tăng sức cạnh tranh của toàn ngành.
Trên thực tế, bên cạnh cơ hội rộng mở, đâu là khó khăn lớn nhất đối với xuất khẩu gỗ của Việt Nam hiện nay, thưa ông?
Sản phẩm gỗ của chúng ta đã được xuất khẩu đi trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Việt Nam cũng đã trở thành một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Trong đó, hai thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là những rào cản về kỹ thuật và thương mại.
Về rào cản kỹ thuật, do gỗ là sản phẩm có nguyên liệu từ rừng. Mặc dù hầu hết là từ rừng trồng nhưng các quốc gia cũng đều đặt ra những yêu cầu rất khắt khe để đảm bảo toàn bộ gỗ đưa vào chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu phải là gỗ từ nguồn cung ứng hợp pháp.
Thêm nữa, mặc dù đã ký kết các hiệp định thương mại tự do nhưng nhiều quốc gia thường dựng lên các hàng rào bảo hộ mậu dịch, đặc biệt là áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sản xuất. Cho nên chúng ta cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những động thái đó của các thị trường lớn.
Trước những thách thức vừa nêu, theo ông giải pháp nào sẽ giúp nâng cao nhận khả năng nhận diện của sản phẩm Việt Nam hiện nay và mặt khác sẽ tránh khỏi tranh chấp thương mại trên thị trường gỗ thế giới.
Về mặt vĩ mô, theo tôi Chính phủ cần phải đàm phán với các quốc gia tiêu thụ nhiều sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng như các quốc gia xuất khẩu nhiều nguyên liệu gỗ vào Việt Nam để làm sao cả hai bên có thể minh bạch các khung thể chế pháp lý, giúp tránh được những rủi ro đưa gỗ bất hợp pháp vào chuỗi cung ứng.
Đối với các doanh nghiệp, cần nâng cao năng lực giải trình, trách nhiệm giải trình, cẩn trọng trong việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, đảm bảo làm sao để gỗ đưa vào sản xuất và chế biến, xuất khẩu phải đến từ nguồn cung ứng hợp pháp. Ngoài ra, mỗi một doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng nhiều càng gay gắt hơn
Hiệp hội chúng tôi cũng cần phải làm tốt hơn chức năng tập hợp, liên kết tất cả các bên liên quan trong chuỗi chế biến và cung ứng sản phẩm, từ người nông dân trồng rừng cho đến những doanh nghiệp đầu cuối, làm sao để nâng sức cạnh tranh, nâng uy tín của thương hiệu gỗ Việt trên thị trường thế giới.
Thị trường rộng mở, nhưng dường như tác động của COVID-19 đã làm thay đổi nhu cầu của khách hàng. Vậy ngành gỗ Việt Nam xác định những sản phẩm chiến lược trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Với đại dịch bùng phát trên toàn cầu, mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành đều phải thích ứng với bối cảnh "bình thường mới" do đó ngành công nghiệp gỗ cũng giống nhiều ngành hàng khác, phải tăng cường thương mại điện tử và kết nối với khách hàng, đối tác thông qua giao dịch trực tuyến.
Ngành gỗ hiện nay tập trung vào 4 nhóm sản phẩm chính: các loại sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất (chiếm đến 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu); các loại ván nhân tạo (kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều trên 1 tỷ USD); dăm gỗ (xuất khẩu thu về trên 1,7 tỷ USD); viên nén để làm năng lượng sinh khối.
Riêng về viên nén, đây là nhóm sản phẩm mới nổi lên và Việt Nam cũng đang có lợi thế cạnh tranh. Năm ngoái, chúng ta xuất khẩu được trên 3 triệu tấn và thu được trên 400 triệu USD. Điều đáng nói, nhóm sản phẩm này cho phép chúng ta tận dụng mùn cưa, dăm bào, các loại phế thải từ công đoạn chế biến gỗ khác nhau để chế biến và xuất khẩu.
Như vậy, chúng ta vẫn phải phát triển đồng thời cả 4 nhóm hàng. Nhưng tôi nhấn mạnh rằng trong thời gian tới nhất định phải tăng cường xuất khẩu nhóm sản phẩm mà có giá trị gia tăng cao nhất, đó là các loại bàn ghế, giường tủ...
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể xuất khẩu không gian kiến trúc, không gian nội thất, nhận hợp đồng lớn để thiết kế và trang trí nội thất cho những tòa nhà, cung điện, khách sạn hạng sang... Thông qua đó, chúng ta có thể nâng cao hình ảnh, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp gỗ Việt.
Để xuất khẩu gỗ bền vững, việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu và vùng trồng hiện nay ra sao thưa ông?
Trong xuất khẩu sản phẩm gỗ, nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu từ rừng trồng trong nước rất quan trọng. Tuy nhiên, lâu nay nông dân vẫn khai thác khi rừng còn rất non, tức là chỉ sau 4 - 5 năm. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có những chính sách giúp nông dân có thể kéo dài chu kỳ trồng rừng để có gỗ lớn nhưng đến nay, thực tế chúng ta vẫn chưa làm được nhiều.
Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, một trong những công việc quan trọng của cả lâm nghiệp và công nghiệp chế biến gỗ là làm sao để có thể giúp nông dân tích hợp nhiều giải pháp, kéo dài chu kỳ kinh doanh, trồng rừng và sản xuất gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu đầu vào có chất lượng cao hơn để có được các sản phẩm cạnh tranh trên thị trường.
Trân trọng cảm ơn ông!